Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

CHÂM CỨU

  • BÁT PHÁP ĐIỀU TRỊ TRONG CHÂM CỨU

    (Phép tắc điều trị)

    HÃN thì Hợp cốc, Phong môn

    THỔ thì Trung quản, Nội quan, Liêm tuyền

    HẠ thì Túc lý, Thiên khu

    Khúc trì hợp với Tam âm mà dùng

    HOÀ thì hàn nhiệt dùng chung

    Chi câu kết hợp huyệt Dương lăng tuyền

    Điều hoà Can Tỳ huyệt thiên

    Thái xung, Túc lý tiếp liền Nội quan

    ÔN thì Trung quản, Túc tam

    Hoặc cứu Khí hải, Quan nguyên thần kỳ

    THANH thời chích máu đầu chi

    Của những huyệt tỉnh sốt thì lui nhanh

    TIÊU thực Trung Quản đã đành

    Phải phối Túc lý mới thành phương hay

    Tiêu đàm Phong long nhớ ngay

    Tiêu huyết ứ trệ huyệt này Thái xung

    Huyết hải - hoạt huyết dùng chung

    Lợi thuỷ Trung cực lại cùng Thuỷ phân

    BỔ âm Thận du rất cần

    Phục lưu, Nhiên cốc, Tam âm đắp bồi

    Bổ dương Mệnh môn nhớ rồi

    Chí dương nối tiếp đến hồi Quan nguyên

    Bổ khí Khí hải nhớ liền

    Đản trung, Túc lý như kiềng ba chân

    Bổ huyết Huyết hải nuôi thân

    Can, Tâm, Tỳ, Cách góp phần lập công

    Đó là Pháp - Huyệt cần lưu

    Tâm niệm ghi nhớ khắc sâu trong lòng./.

    Căn cứ vào lý luận, quy nạp thành 8 pháp: Hãn, Thông, Tiêu, Hợp, Ôn, Thanh, Bổ, Tả.

    1. HÃN PHÁP

    Hãn pháp được lập ra để chống đối ngoại tà xâm phạm nhân thể, tà còn ở bì mao tấu lý và kinh lạc, xuất hiện các chứng kinh lạc không thông, phế khí ách tắc. Hãn pháp là phương pháp làm cho tà khí phát tiết ra ngoài.

    Chọn huyệt:

    Thường chọn huyệt trên kinh Dương: Kinh Dương chủ phần biểu, huyệt trên kinh Dương có tác dụng thông dương hành khí, lợi cho giải biểu tà. Ngoài chọn huyệt 3 kinh Dương, còn tương đối coi trọng chọn huyệt trên Mạch Đốc nhằm tráng dương khí, tăng cường sức giải biểu.

    Phong tà khu trú ở phần trên, Hãn pháp sinh từ lưng. Vì vậy phần nhiều chọn huyệt ở vùng đầu cổ. Ví dụ: Thái Dương phong hàn chọn huyệt Thiên Trụ, Thiếu Dương phong hàn chọn huyệt Phong Trì; trên Mạch Đốc thì chọn Phong phủ, Đại Chùy, Đào Đạo.

    Căn cứ lý luận Phế chủ biểu, chọn huyệt trên kinh Phế. Ví dụ như: Phát sốt, nếu lấy chứng trạng Kinh lạc làm chủ-chứng trạng Phế làm phụ có thể chọn huyệt Ngư Tế; nếu lấy chứng trạng Phế làm chủ có thể chọn huyệt Liệt Khuyết.

    Đặc điểm:

    Phối ngũ giữa 3 huyệt của 3 kinh Dương với Mạch Đốc: Khi ngoại tà xâm phạm kinh lạc.

    Sau khi chọn huyệt trên kinh Phế phối với huyệt kinh Thủ Quyết Âm: Khi ngoại tà xâm phạm Phế.

    Phối ngũ cách xa của kinh Dương Minh. Khi ngoại tà nhập lý.

    Chú ý:

    Kết hợp hơ nóng: Thường hơ nóng cổ gáy và bả vai để trợ Dương khử tà.

    Lựa chọn thời gian thích hợp châm cứu: Ban ngày. Dương khí của vũ trụ sẽ hỗ trợ dương khí nhân thể.

    2. THÔNG PHÁP

    Thông pháp thường dùng trị Phong Hàn Thấp tà xâm phạm nhân thể làm cho khí huyết trở trệ, kinh lạc bế tắc, sản vật bệnh lý ngưng trệ. Bộ vị bệnh chứng chủ yếu ở phần da, thịt, gân mạch, xương cốt. Thông pháp ngoài khả năng thông kinh hoạt lạc, tức là khai thông trở trệ, còn có tác dụng điều chỉnh công năng của khí huyết, kinh lạc, làm cho trạng thái sinh lý khôi phục trở lại bình thường.

    Chọn huyệt:

    Chọn huyệt khai khiếu thông đạt khí cơ mạnh, trong đó lấy Tỉnh huyệt làm chủ.

    Chọn huyệt Du, Mộ có liên quan mật thiết với khi cơ tạng phủ. VD: đau lưng chọn Thận Du, bĩ thống (đau đầy tức) chọn huyệt Chương Môn.

    Chọn huyệt tại chỗ. VD: Ngạt mũi chọn Nghinh hương, đau đầu gối chọn Lương Khâu.

    Đặc điểm:

    * Phối ngũ huyệt đồng loại. Mục đích làm tăng cường sức thông đạt của khí cơ. VD: Ẩn Bạch, Đại Đôn (cùng là huyệt Tỉnh); Cách Du, Tỳ Du, Thận Du (cùng là ngũ du huyệt).

    * Phối hợp huyệt tại chỗ với huyệt xa. Mục đích làm cho khí huyết vận hành thông sướng, thời gian tương đối lâu dài hơn. VD: trị đau lưng dùng Thận Du phối hợp với Ủy Trung, Côn Lôn.

    * Bệnh chứng áp dụng Thông pháp điều trị, nói chung là bệnh tình mạn tính, liệu trình điều trị tương đối dài. Trong quá trình châm thích phải chú ý:

    - Động viên BN thực hiện 1 số động tác bổ trợ để tăng cường sức đả thông kinh lạc, khí huyết.

    - Chứng ngưng tụ nên kết hợp sử dụng thêm ôn hoặc cứu nhằm lợi cho sự đến tụ của chính khí và sự lưu sướng của khí huyết.

    - Hướng dẫn BN về nhà tập 1 số động tác vận động hợp lý.

    3. TIÊU PHÁP

    Tiêu pháp thích hợp dùng cho khí, huyết, đờm, thực, thấp đình trệ trong nhân thể đồng thời hình thành loại bệnh chứng có sản vật bệnh lý hữu hình. Những loại bệnh này thời gian thành bệnh tương đối dài hơn, tà khí uất kết ko tan, chính khí tương đối nhu nhược; trong tình trạng khó khăn là tả ko đi, bổ lại ko được. Chỉ có thể chọn dùng Tiêu pháp, vận dụng khả năng “tiêu trệ tán kết” mới đạt đến mục đích đuổi tà mà ko tổn thương tới chính khí.

    Đặc điểm:

              * Chọn huyệt trên kinh Dương Minh hoặc kinh Thái Âm, lấy gốc của hậu thiên điều đạt khí huyết kinh lạc: Chủ trị chứng bệnh ko phải là loại nặng.

              * Chọn huyệt Du, Mộ của Tỳ Vị, lấy gốc của hậu thiên điều đạt khí huyết tạng phủ: Chủ trị chứng bệnh tương đối ngoan cố hơn.

              * Chọn huyệt tại chỗ bệnh biến làm tăng cường thông đạt khí huyết tại chỗ: Chủ trị chứng bệnh tương đối cấp, do đó mang tính chống đối rõ ràng hơn.

    Chú ý:

    - Tiêu Pháp là một phép hoãn công (công chậm), lấy đuổi tà làm chủ, đuổi tà lại lấy tiêu tán làm chủ. Khi châm thích thường dùng phép bình bổ bình tả, đồng thời cũng dùng Mai hoa châm gõ vùng bệnh biến, kinh lạc làm cho khu vực đc châm thêm rộng lớn, khả năng vận hành khí huyết thêm mạnh, khiến tác dụng Tiêu pháp hòa hoãn và liên tục.

    - Bởi vì khối kết là vật hữu hình phần nhiều thuộc âm hàn ngưng trệ, do đó sử dụng phép cứu kết hợp có thể làm bệnh tình thuyên giảm nhanh hơn. Ngoài cứu tại huyệt vị ra, còn có thể cứu tại chỗ kết khối nhưng cần phải chú ý dựa vào sự biến hóa của bệnh tình mà dùng các phép cứu cho phù hợp.

    4. HỢP PHÁP

    Hợp pháp là chỉ về sự phối hợp Âm Dương lẫn nhau, phần nhiều được áp dụng khi trong cơ thể Âm Dương, Hư Thực ko đúng mực. Hợp pháp có 2 hàm nghĩa:

    * Hợp hình với khí: hình là chủ về hình thể, khí là chủ về khí cơ. Hình thể trông to, khỏe mạnh (thực) mà khí hư; hình thể hư nhược mà khí thịnh đều thuộc loại hình khí ko hợp. Khi hình-khí ko tương hợp thì bệnh tình trở lên phức tạp, trên lâm sàng cần phải phân tích tình trạng tranh đấu giữa tà và chính (xét hình và khí) mà vận dụng trị liệu linh hoạt. Bất luận hình khí bất túc hay hữu dư, đều phải chú ý tư tưởng chủ đạo chung tả tà cứu chính, bổ chính mà khử tà. Về phòng bệnh bảo kiện (giữ gìn sk), tư tưởng “Hợp hình với khí” cũng rất quan trọng, như phối ngũ giữa Bách Hội, Quan Nguyên, Khí Hải, Túc Tam Lý.

    * Điều hòa Âm Dương: bao gồm sự biến hóa các dạng âm dương trong cơ thể, chủ yếu là chỉ về biến hóa bệnh lý: âm dương thiên thịnh thiên suy, âm dương cách cự,… như Tâm Thận bất giao, Can Tỳ bất hòa, Khí Huyết ko thông, Kinh Lạc trở trệ,… là có thể sử dụng Hợp pháp.

    Đặc điểm:

    * Chọn huyệt cùng lúc trên kinh Âm Dương, hoặc bộ vị Âm Dương nhằm đạt đến mục đích điều chỉnh Âm Dương làm cho nó đc hòa hợp với nhau. VD: khí huyết bất túc chọn Túc Tam Lý phối hợp Tam Âm Giao; Tâm Thận bất giao chọn Tâm Du phối hợp Thận Du; Thận Hỏa bất túc chọn Mệnh Môn phối hợp Thần Khuyết; …

    * Chọn huyệt tại bộ vị đối xứng Âm Dương của nhân thể. VD: Trúng phong bán thân bất toại châm thích 12 huyệt tỉnh (trái-phải); điều trị gót chân lệch trong hoặc lệch ngoài chọn Chiếu Hải phối hợp Thân Mạch; Can Tỳ bất hòa chọn Âm Lăng Tuyên phối hợp Dương Lăng Tuyền (trong-ngoài); trúng phong chọn Nhân Trung phối hợp Trung Xung (trê-dưới).

    5. ÔN PHÁP

    Ôn pháp thường dùng cho chứng hàn thấp trở trệ, dương khí hư suy thậm chí dương khí suy kiệt.

    Đặc điểm:

    * Chọn các huyệt tráng khí bổ hỏa như: Khí Hải, Quan Nguyên, Mệnh Môn,…

    * Kết hợp Ôn Cứu đúng mức: ôn dưỡng ôn bổ, ôn thông ôn tán. Hợp lý về cường độ (ấm hay nóng), về thời gian (ít hay nhiều), về phạm vi (diện rộng hay hẹp).

    * Vận dụng linh hoạt: cứu ấm, cứu nóng (cứu điếu ngải, đèn hồng ngoại); đắp hỏa (các mồi ngải, đắp thuốc+chiếu đèn hồng ngoại); chườm hỏa (chườm muối ngải, hỏa long cứu); …

    Chú ý: Hàn thì làm cho nóng lên; Lao tổn thì làm cho ấm lên.

    6. THANH PHÁP

    Thanh pháp thường dùng khi cơ thể mắc hỏa, nhiệt tà. Chủ yếu điều trị chứng thực nhiệt, cũng có thể điều trị chứng hư nhiệt. Khí thực sinh nhiệt, khí hư cũng sinh nhiệt.

    Đặc điểm:

    * Chọn huyệt vị thông đạt khí cơ, đặc biệt là huyệt vị của kinh Dương Minh, VD: Khúc Trì, Hợp Cốc, Trung Phủ, Liệt Khuyết,… Khi cần tả hỏa trực tiếp thì phối hợp huyệt vị thuộc hỏa hoặc thuộc thổ, VD: Ngư Tế, Thái Xung, … hoặc chọn huyệt vị tại chỗ của hỏa khí tụ tập, VD: hỏa tụ phần trên cơ thể chọn Bách Hội, Thái Dương, Thượng Tinh; hỏa ngưng ở tạng phủ chọn huyệt Du, Mộ.

    * Có thể kết hợp với phép cứu dạng ôn thông ôn tán nhằm đạt đến mục đích tán và tả hỏa tà, nhiệt tà.

    Chú ý: Nếu nhiệt tà hung mãnh, biến hóa nhanh gấp thì nên phối hợp pp sau:

    - Dùng phép tả lạc chích ra máu, lượng máu cho ra nhiều một chút, có thể lấy “máu chuyển đổi thì ngưng” làm mức chuẩn. Muốn làm cho chỗ châm ra máu nhanh thì thêm bầu giác tại chỗ thích.

    - Dùng thủ pháp dẫn đạo: dùng 4 ngón tay của cả 2 tay véo đè đẩy động mạch cổ-gần như thủ thuật véo đẩy cột sống, từ trên xuống dưới đến giữa Khuyết Bồn.

    - Nếu sốt cao mà ko ngừng đổ mồ hôi thì có thể tại kinh Túc Thái Dương chọn huyệt thích hợp, dùng phép châm bổ có thể liễm hãn.

    7. BỔ PHÁP

    - Bổ pháp là phương pháp thích hợp dùng cho hư chứng ở các mức độ khác nhau của khí huyết, tân dịch, tạng phủ, âm dương. Trong phối phương Bổ pháp huyệt vị chọn dùng đa số lấy bổ làm công năng chủ yếu như: Bách Hội, Đản Trung, Khí Hải, Túc Tam Lý để thăng bổ khí cơ; Quan Nguyên, Tam Âm Giao, Huyết Hải để bổ dưỡng âm huyết.

    - Thủ thuật chính là châm bổ. Khi điều trị chứng hư thực lẫn lộn vẫn có thể dùng phối phương bổ dưỡng làm cơ bản, thủ pháp châm cứu điều chỉnh là được dùng bình bổ bình tả có thể đạt được mục đích phù chính khu tà.

    - Khi cơ thể suy nhược hoặc khả năng phản ứng kém, châm thích thường kém hiệu quả. Do đó trong lúc khí âm dương đều bất túc, ko nên dùng phép châm thích mà nên dùng phép cứu điều trị, dương hư có thể sử dụng mà âm hư cũng có thể dùng, chỉ cần phối phương chính xác, phép cứu sử dụng đúng mức đều đạt hiệu quả điều trị.

    8. TẢ PHÁP

    - Tả pháp dùng cho các bệnh do khí cơ trở trệ ách tắc gây lên như: khí ngưng thấp trệ, khí uất hóa hỏa, hàn ngưng khí trệ, Can uất khí trệ, …Phối phương Tả pháp lấy tả tà làm chủ, phương hướng điều trị tương đối rõ ràng chính xác, chọn dùng có tác dụng thông, khai, tán, giáng, ...

    - Châm thích dùng phép tả, khi cứu dùng phép thổi lửa, khi tà nặng quá có thể dùng phép cho ra máu. Chính khí hư nhược tà khí mạnh, muốn dùng phối phương Tả pháp thì phải dùng kỹ thuật châm bổ. VD: Thanh niên mất ngủ, suy nhược tinh thần, thuộc thể mất ngủ hư phiền nhiễu Tâm, chọn dùng: Đại Lăng tả Tâm hỏa, Nội Quan thông Tâm khí, Thần môn thông thần chí, thuộc phối phương Tả pháp, nhưng khi châm thích thì ko thể dùng Tả pháp mà phải dùng Bổ pháp, nếu ko thì chẳng những vô hiệu quả mà ngược lại càng làm cho bệnh tình thêm nặng. Chỉ có thông qua phối hợp thích đáng thủ pháp châm thích mới có thể đạt đến mục đích của Tả pháp.

    - Khi sử dụng Tả pháp thường phối hợp các phương pháp sau:

    + Bầu giác: Đặc biệt là đối với người bệnh hàn thấp tà ngưng trệ, khí cơ ách tắc nặng, thêm dùng bầu giác tức là tăng cường khả năng tả tà. Khi dùng bầu giác có thể giác trên kim châm, hoặc sau rút kim thêm bầu giác.

    + Cạo gió: Đây là phương pháp tả tà mạnh hơn, thường sử dụng khi bệnh tình cấp bách, tà khí tương đối nặng, thường cạo theo kinh giữa 2 huyệt, toàn thân có thể cạo nhiều chỗ, phép cạo gió thường liên quan đến tuyến kinh lạc dài hơn, huyệt vị điều chỉnh nhiều hơn, luôn luôn đạt hiệu quả tả tà ko ngờ đến.

    ♦ Báp pháp ở trên, là đem tác dụng điều trị của phối phương châm cứu quy nạp từ phương diện rộng lớn, nếu phân tích tỉ mỉ mỗi một pháp lại có thể chia thành nhiều phép nhỏ. VD: Bổ pháp lại chia ra phép tuấn bổ, phép hoãn bổ, phép trực tiếp bổ, phép gián tiếp bổ. Mỗi phép lại phối hợp các phép khác như phép Thông Bổ, Ôn Bổ, Bổ trong Tả, Tả trong Bổ, Tiêu trong Bổ, Bổ trong Tiêu. Do đó, Bát Pháp lại có thể biến thành nhiều phép trị hơn, 1 phối phương bao gồm 1 phép hoặc vài phép để trị bệnh.

    ♦ Trên lâm sàng cần vận dụng Bát pháp linh hoạt nhưng ko đc sai tính nguyên tắc của Bát pháp, “vạn biến không rời tông” có như thế mới phát huy đầy đủ tác dụng của phối phương trong điều trị lâm sàng, mới thực sự thống nhất được giữa lý luận châm cứu với thực tiễn lâm sàng. Y kinh viết: “Biết được điều quan trọng của nó, một chữ đến cùng; không biết điều quan trọng của nó, mất mát vô cùng”./.

    CÁCH LẬP ĐƠN HUYỆT

    Làm thầy châm cứu lưu tâm

    Hư bổ, thực tả, nhiệt châm, cứu hàn

    Âm dương phân biệt rõ ràng

    Âm hư nội nhiệt, ngoại hàn dương hư

    Lập đơn huyệt phải từ từ

    Huyệt chính, trực tiếp xong rồi bổ sung

    Nguyên, lạc, đặc hiệu ... nói chung

    Phải phối hợp lý để cùng công năng

    Ví như đau lưng hẳn rằng

    Ủy trung huyệt chính, trực thì Thận du

    Thái khê là huyệt bổ sung

    Và cứ như thế lập dùng giản đơn

    Ví như dùng để cắt cơn

    Dạ dày đau nhói thì dùng Túc tam

    Trung quản mộ Vị dùng làm

    Giảm cơn đau nhói lại còn bổ sung

    Nội quan cùng với Nội đình

    Qua hai ví dụ tự mình luận ra

    Lập đơn huyệt giảm rườm rà

    Mà nhanh kết quả mới là thầy hay./.

1/1

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...