BIẾT ĐỦ VÀ KHÔNG BIẾT ĐỦ
12:09:00 02/09/2021
Cách đây trên 2500 năm Đức Phật đã dạy “Thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại”, đến nay lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Lão tử tên thật là Lý Nhĩ viết: Sông biển sở dĩ mênh mông vì khéo ở chỗ thấp, nếu sông biển cũng tranh với khe suối lên ở chỗ cao thì liệu sông biển có mênh mông được nữa hay không ?
Còn nhà thơ Ara-gông thì viết: “Những bông lúa lép ngẩng cao đầu, những bông lúa nặng hạt, đầy năng lượng thì cúi xuống, còn những bông lúa không có chút tinh bột nào thì đầu ngẩng rất cao, cũng giống như những kẻ bất tài, kém đức thì hay vênh vang khoe mẽ”.
Tự đại không biết đủ thường gây hậu quả khôn lường. Theo Lão Tử: Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy. Biết dừng tức là biết tiến, biết thoái, khi cần tiến thì tiến, khi cần dừng thì dừng lại. Trên con đường nhân sinh chúng ta khó tránh khỏi sẽ làm sai một số việc, đi sai một vài đoạn đường. Kỳ thực khi phát hiện ra mình sai rồi, thì phải dừng lại, đừng cố lao về phía trước nữa. Con đường sai nếu cứ bước tiếp thì kết quả chắc chắn sẽ không tốt đẹp gì, gây hậu quả khôn lường.
Biết dừng không phải là buông bỏ, không phải là chịu thua mà để nhận thức rõ hiện trạng, dám tìm lại một con đường mới và một hành trình tốt hơn. Có lúc giữa ngã rẽ cuộc đời, chưa biết sẽ đi về đâu thì tạm dừng lại, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống còn nhiều điều vẫn đang chờ đón.
Không họa nào lớn bằng cái họa không biết đủ, không hại nào to bằng cái hại muốn được ôm cả trái đất rộng mênh mông trong vòng tay hẹp của mình… Biết đủ mới luôn luôn đủ, trong lịch sử Trung Quốc nhiều người do không biết đủ lại kiêu ngạo dẫn đến kết cục bi thảm. Ngũ Tử Tư (Ngũ Viên) là người có trí, vừa có dũng vừa thông minh và tài giỏi, nhưng ông không biết nên tài giỏi đến đâu là đủ. Giữa trận tiền Ngũ Tử Tư càng tài giỏi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, nhưng ở chốn cung đình, ông không được tài giỏi hơn vua, ông đã không biết điều đó, lại muốn chứng tỏ mình là người tài giỏi nhất trong triều đình nhà Ngô, ông khôn ở giữa ba quân nhưng dại trong chốn cung đình, vì thế ông đã chết bởi thanh gươm của Ngô Vương Phù Sai.
Lã Bất Vi là Tể Tướng và lại là Trọng Phụ, cái thiếu của ông là không biết đủ, đã có quyền lực cao nhất mà lại còn cho viết sách Lã Thị Xuân Thu, treo cho cả thiên hạ đọc và thách ai sửa được một chữ sẽ thưởng cho nghìn lượng vàng, như vậy ông không còn coi cái đầu của Thủy Hoàng Tần Doanh Chính là gì nữa nên ông phải chết, ông khôn rất nhiều, chỉ dại một điều thôi, ấy là không biết thế nào là đủ và chết cũng do kiêu ngạo mà ra.
Người không biết đủ thì luôn chạy theo dục vọng, tìm đủ mọi cách để thỏa mãn nó, mà dục vọng thì không có bờ, không có bến. Người biết dừng thì biết quyền của mình bị giới hạn bởi quyền của người khác, quyền của công dân bị giới hạn bởi quyền của Quốc gia. Không ít người đã cố tình chà đạp lên điều ấy và tự dẫm lên chính mình. Dục vọng mù quáng đã dẫn dắt con người vào chốn quáng mù và điều gì đến chắc chắn sẽ phải đến, khi ngộ ra thì đã quá muộn.
Biết sống thuận theo tự nhiên, không trái với quy luật của tạo hóa, đối mặt với mọi chuyện bằng một tâm thái bình thản, tự nhiên. Có được trái tim bình thản ấy mới có thể coi nhẹ tiền tài và quyền thế, thành công và thất bại.
Thế sự phồn hoa chỉ như khói mây, khi bạn nhìn thông, nghĩ thoáng sẽ thấy thuận theo tự nhiên và trạng thái tốt nhất. Sự huy hoàng nhất thời khiến con người ngưỡng vọng, nỗi thất vọng nhất thời khiến con người thảng thốt, nhưng cuộc sống cuối cùng cũng quy về sự bình thản. Sống thuận theo tự nhiên con người mới không cao ngạo khi ở ngôi cao, không tự ty khi ở chỗ thấp. Biết đủ thường vui, biết dừng mới có thể tiến xa.
Trong dòng chảy cuộc đời, có vô vàn biến động nhưng phải bình tâm, tĩnh trí sáng suốt xử lý mọi công việc, cẩn trọng quyết đoán, độ lượng bao dung, đặc biệt đừng “Vác đá ghè chân mình”. Phải bình tĩnh mới tìm được sự bình yên, muốn yên thì phải tĩnh, mà tĩnh sẽ yên, tĩnh bình, bình tĩnh, tĩnh bình là như vậy./.
Tổng lượt xem: 854
Tổng số điểm đánh giá: 19 trong 4.8 đánh giá
1 2 3 4 5