NGĂN NGỪA VÀ PHÁT HIỆN SỚM BIẾN CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP
11:10:00 23/10/2021
* Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg) bao gồm 2 thành phần: Trị số HA tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số HA tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.
Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 đến 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 đến 89 mmHg. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: THA tâm thu đơn thuần khi ≥ 140 mmHg, THA tâm trương đơn thuần khi ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp. Nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề...
* Tăng huyết áp ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, cứ 4 người nam hay 5 người nữ, có 1 người bị tăng huyết áp. Một khảo sát gần đây cho thấy, gần 1/3 người lớn ở vùng thành thị Đông Nam Á có huyết áp cao. Tương tự, ở Việt Nam tỷ lệ này là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Và cứ 5 người tăng huyết áp được điều trị, chỉ có 1 người đạt được kiểm soát huyết áp.
Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, gồm có hai trị số: huyết áp tâm thu (số đầu) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim co bóp và huyết áp tâm trương (số sau) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim thư giãn (ví dụ: huyết áp 120/70 mmHg). Hệ thống mạch máu trong cơ thể giống như các ống dẫn, đưa máu đến các cơ quan.
Hệ thống ống dẫn này nếu chịu một áp lực cao lâu ngày sẽ bị phình giãn (thành ống yếu đi, dễ bị rách hay vỡ), hoặc cứng lại mất tính đàn hồi mềm mại, hoặc lớp bên trong bị tổn thương và tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp và bít tắc dần. Tất cả các mạch máu lớn (động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch đùi…) và mạch máu nhỏ (mạch máu ở đáy mắt, cầu thận, não…) toàn thân đều bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng huyết áp.
Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng khi huyết áp cao. Với mức huyết áp (HA) bình thường 115/75 mmHg, cứ mỗi mức tăng HA thêm 20/10 mmHg, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ nhân lên gấp đôi.
Ví dụ, người có mức HA 135/85 mmHg có nguy cơ tử vong tim mạch gấp đôi người có HA 115/75 mmHg; người có HA 155/95 mmHg thì nguy cơ tăng gấp 4 lần, mức HA 175/105 mmHg nguy cơ tăng gấp 8 lần và 195/115 thì nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp 16 lần người có huyết áp bình thường.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
* Cần làm gì để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp?
- Người ≥ 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 3 tháng/lần.
- Định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra cận lâm sàng: tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI.
- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của THA), theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo.
- Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh:
+ Tập thể dục đều đặn: 45 - 60 phút/buổi tập x 1 - 2 lần/ngày.
+ Duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường (BMI = 22-23) sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
+ Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, mặn, ngọt.
+ Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không thức khuya.
+ Giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
► Người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong. Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mãn.
► Vì vậy, việc thực hiện lối sống lành mạnh và chấp hành điều trị nghiêm túc của mỗi cá nhân là “vũ khí lợi hại” hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người thầm lặng này”./.
Tổng lượt xem: 1446
Tổng số điểm đánh giá: 13 trong 5 đánh giá
1 2 3 4 5