Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

BẤM HUYỆT PHÒNG VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP

09:02:00 01/02/2020

HUYỆT DƯỠNG SINH QUAN TRỌNG 

PHÒNG DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP 

Hôm nay 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Để phòng chống các dịch bệnh đường hô hấp ngoài việc hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn bàn​ tay, vệ sinh tốt bản thân và môi trường sống,... chúng ta hãy tự rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và tự bấm một số huyệt đạo dưới đây giúp nâng cao hệ miễn dịch rất tốt. 

1. HỢP CỐC

 (Huyệt Nguyên)

Hợp Cốc là 1 trong "Lục Tổng Huyệt" quan trọng của cơ thể con người, là Nguyên Huyệt của kinh Thủ Dương Minh - kinh đa Khí đa Huyết. Chủ trị các bệnh vùng đầu mặt miệng. Bởi vậy, trong phép dưỡng sinh của y học cổ truyền, người xưa khuyên hàng ngày nên day bấm huyệt Hợp Cốc đều đặn nhằm mục đích làm cho Khí Huyết luôn được thông suốt, luôn được tràn đầy đặc biệt là vùng đầu mặt .

VỊ TRÍ: ở giữa khe đốt bàn ngón 1 - 2, chếch về phía xương bàn tay 2.    

CÁCH LẤY HUYỆT:

C1: Căng ngón cái và ngón trỏ, điểm giữa đường nối khớp các xương bàn tay 1 và 2 với mép da, đó là huyệt (cạnh xương bàn 2).

- C2: Khép ngón cái vào ngón trỏ, huyệt nằm ngay trên đỉnh của gò cơ nơi hổ khẩu bàn tay. 

TÁC DỤNG: Trấn thống; Thanh tiết Phế khí; Thông giáng Trường Vị; Phát biểu giải nhiệt, khu phong.

CHỦ TRỊ: Các bệnh ngoại cảm và bệnh vùng đầu, mặt, miệng như: cảm mạo, cảm cúm, sốt cao, đau đầu, đau răng, hầu họng sưng đau, mắt đỏ sưng đau, say nắng, ho gà, liệt mặt, hàm răng cắn chặt, đau mũi, viêm mũi, nổi mề đay ngứa, rối loạn thần kinh, ngón tay tê cứng, đau bụng hành kinh, bế kinh, đau hậu môn.

TÁC DỤNG PHỐI HỢP: với Đại chuỳ, Khúc trì trị cảm mạo, phát sốt; với Đại chuỳ, Huyết hải trị dị ứng mẩn ngứa; với Thái dương trị răng hàm trên sưng đau; với Giáp xa trị răng hàm dưới sưng đau; với Tam âm giao tác dụng thúc đẻ hoặc an thai; với Thái xung gọi là "Tứ quan huyệt" có tác dụng điều khí huyết, hoà âm dương, trấn tĩnh, hạ huyết áp, trị kinh phong ở trẻ em, rối loạn thần kinh, bệnh cao huyết áp ở người lớn; với Phục lưu trị chứng ra mồ hôi nhiều.

CÁCH CHÂM CỨU: Châm mũi kim hướng về huyệt Lao cung hoặc huyệt Hậu khê, sâu 0,5 – 1 thốn, có thể đến 2 thốn, cảm giác bàn tay tê tức lan ra đầu ngón, châm chếch lên, cảm giác tê lan tới khuỷu hoặc vai. Phụ nữ có thai cấm châm. Cứu 3 mồi, hơ 5 phút.

* BẤM HUYỆT: Tập trung chú ý khi day ấn huyệt. Tay phải day bấm huyệt tay trái, tay trái day bấm huyệt tay phải hướng vào gầm dưới xương bàn ngón tay trỏ, day từ nhẹ đến mạnh sao cho đạt cảm giác tê tức lan tỏa, day liên tục thuận chiều kim đồng hồ 180 vòng. Mỗi ngày có thể làm 1 hoặc 2 lần (buổi sáng ngủ dậy trong khoảng thời gian 5 - 7h và buổi tối 20 - 21h). Có thể tự làm tại nhà.

2. TÚC TAM LÝ

(Huyệt Hợp)

Túc Tam Lý là 1 trong "Lục Tổng Huyệt" và là 1 trong những huyệt vị có tần suất sử dụng hàng đầu trong châm cứu. Là huyệt có nhiều tác dụng, từ chữa các bệnh về hệ thống tiêu hoá, tim mạch đến ý nghĩa bồi bổ nguyên khí, tăng cường sức miễn dịch và kéo dài tuổi thọ. Hiện nay, trong số các biện pháp nhằm gia tăng sức đề kháng để chống lại sự tác hại của các loại vi trùng vi khuẩn gây bệnh, có lẽ năng vận động thân thể và thường kích hoạt huyệt Túc Tam Lý là biện pháp tự nhiên và đơn giản nhất.

 VỊ TRÍ: Túc Tam Lý nằm ở dưới mắt đầu gối ngoài (huyệt Độc Tỵ) 3 thốn (1 thốn người Việt Nam = 2,0 - 2,2 cm) và cách bờ trước xương ống chân một khoát ngón tay về phía ngoài (1 khoát ngón tay trỏ = bề ngang đốt 2 ngón tay trỏ). Có thể xác định huyệt bằng cách úp lòng bàn tay trên đầu gối - lòng bàn tay ấp vào xương bánh chè, (bàn tay phải trên đầu gối phải, bàn tay trái trên đầu gối trái), Túc Tam Lý ở vị trí dưới đầu ngón tay giữa nơi đầu ngón tay giữa chạm vào chân ở phần ngoài xương ống chân. 

► TÁC DỤNG: 

• Tỳ Vị thuộc Thổ. Trong số Ngũ Du huyệt, Túc Tam Lý lại là Hợp huyệt - Thổ huyệt của đường kinh Túc Dương Minh Vị. Do đó, Túc Tam Lý được gọi là “Thổ trong Thổ”. Theo Đông y, Thổ là mẹ sinh của vạn vật, là chủ về hậu thiên. Đường kinh Dương Minh lại là đường kinh “đa Khí đa Huyết”, chủ về Vệ khí ở phần biểu để giúp cơ thể chống lại ngoại tà. Do đó, khí hoá mạnh yếu ở huyệt có liên quan mật thiết đến công năng của lục phủ ngũ tạng, sự thịnh suy trong thân người. 

• Về mặt cục bộ, Túc Tam Lý dùng để chữa các chứng bệnh ở bộ máy tiêu hoá như viêm dạ dày, ruột, ăn uống khó tiêu hoặc cải thiện  việc lưu thông khí huyết ở chi dưới, ở vùng khớp gối.  Liên quan đến công năng tăng cường sinh lực, cải thiện việc lưu thông khí huyết toàn thân, gia tăng tuần hoàn ngoại biên, Túc Tam Lý cũng hữu dụng trong các chứng suy nhược thần kinh, kích ngất, suyễn, dị ứng, cao huyết áp, đặc biệt là giúp tăng cường hệ miễn dịch đề phòng chống bệnh tật.

* Những nghiên cứu ở Trường Đại học Quân y Trung Quốc và Viện Y học Bắc kinh đã cho biết châm vào Túc Tam Lý làm gia tăng khả năng thực bào của tế bào bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng nhiều nhất. Tăng cao nhất sau 24 giờ. Khả năng này kéo dài đến khoảng 48 giờ sau. Các trường Đại học Y khoa khắp thế giới cũng nghiên cứu tính năng của huyệt châm cứu cho biết các kết qủa thử nghiệm của huyệt Túc tam lý như sau: Làm co bóp nhu động ruột và bao tử mạnh và nhanh hơn, tiết dịch vị nhiều hơn, làm tăng bạch cầu, tăng cường tuyến hoạt động thượng thận, tăng trọng lượng làm dầy vỏ tuyến thượng thận, làm cho adrénaline tiết ra nhiều hơn, làm thay đổi điện tâm đồ, thủy châm vaccin thương hàn vào huyệt thấy hiệu quả làm tan vi khuẩn nhanh hơn ...

* Huyệt Túc Tam Lý được ông tổ châm cứu Tây phương tên Soulié de Morant,( một bác sĩ Pháp, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc đã học được môn châm cứu của đông phương đem về truyền dạy lại cho các bác sĩ tây phương) đã thử nghiệm tính chất huyệt này có điện thế rất mạnh để chữa bệnh thể chất mệt mỏi, tinh thần suy nhược lo lắng. 

Nói chung, Tỳ chủ hậu thiên, Tỳ năng sinh huyết. Ăn uống ngon miệng tất khí huyết sẽ được dồi dào, con người thấy thoải mái, tay chân linh hoạt, sức đề kháng cũng gia tăng. Do đó, kích hoạt Túc Tam Lý thường là 1 biện pháp dưỡng sinh với nhiều ý nghĩa, tăng cường sự lưu thông khí huyết, gia tăng hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.

► THỦ THUẬT:

 - Bấm huyệt: Tập trung chú ý khi day ấn huyệt. Tay phải day bấm huyệt chân phải, tay trái day bấm huyệt chân trái thẳng góc với huyệt, day từ nhẹ đến mạnh sao cho đạt cảm giác tê tức lan tỏa, day liên tục thuận chiều kim đồng hồ 180 vòng. Mỗi ngày có thể làm 1 hoặc 2 lần (buổi sáng ngủ dậy trong khoảng thời gian 5 - 7h và buổi tối 20 - 21h). Có thể tự làm tại nhà.

- Cứu ngải: Ngải cứu khô vò vụn lấy ngải nhung, dùng giấy bản cuốn thành điều ngải bằng ngón tay. Khi cứu thì châm lửa rồi hơ trên huyệt, điều chỉnh để độ nóng vừa chịu được, cứu từ 10 đến 15 phút. Khi chữa những bệnh suy nhược, hư hàn, có thể cứu lâu hơn đến khi toàn thân có cảm giác nóng ấm. Nên cứu huyệt Túc Tam Lý đều đặn từ mồng 1 đến mống 8 hàng tháng. Có thể tự làm tại nhà.

3. DŨNG TUYỀN

(Huyệt Tỉnh)

Dũng Tuyền là 1 trong 2 huyệt "Trường thọ" quan trọng nhất của cơ thể con người. Bởi vậy, trong phép dưỡng sinh của y học cổ truyền, người xưa đã khuyên hàng ngày nên day bấm huyệt Dũng tuyền một cách đều đặn nhằm mục đích làm cho Thận khí luôn được sung túc, Thận thủy luôn được tràn đầy, theo đó mà tinh thần, thể lực và tinh lực đều có chuyển biến tốt.

- Dũng tuyền là một trong tam tài huyệt: Bách hội (Thiên)-gọi là Thiên tài; Đản trung (Nhân)-gọi là Nhân tài; Dũng tuyền (Địa)-gọi là Địa tài.

- Dũng có nghĩa là vọt ra, tràn lên; còn Tuyền là suối, là nguồn. Dũng tuyền ý muốn nói huyệt nằm dưới lòng bàn chân như một dòng suối, đồng thời lại là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của tạng thận. Thận chủ thủy nên nơi đây tựa như một “nguồn nước chảy vọt ra, tràn đầy sức sống”.

* VỊ TRÍ: Chỗ lõm giữa 2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài. Lấy huyệt ở chỗ lõm trong gan bàn chân, điểm tiếp nối 2/5 trước và 3/5 sau từ đoạn đầu ngón chân 2 đến bờ sau gót chân.

* TÁC DỤNG: Đặc trị hư hỏa và giáng khí nghịch. Trị gan bàn chân đau hoặc nóng lạnh, kích ngất, động kinh, mất ngủ, đỉnh đầu đau, hoa mắt, ho, họng đau, nôn mửa, huyết áp cao, Hysteria.

- Dũng tuyền cũng là huyệt rất quan trọng trong dưỡng sinh. 

- Dũng tuyền được lấy làm của ngõ của cơ thể với sinh khí của mặt Đất. Khi ngồi kiết già thì nó lại là cửa ngõ của cơ thể con người với Trời.

- Dũng tuyền cũng là 1 trong 36 tử huyệt. Trong thuật điểm huyệt cơ thể theo giờ thì Dũng tuyền ứng với giờ Hợi. Theo võ thuật cổ truyền thì khi điểm trúng huyệt Dũng tuyền sẽ tổn thương đến khí tại Đan điền, khí không thể thăng lên được, phá khinh công.

* THỦ THUẬT

 - Bấm huyệt: Tập trung chú ý khi day ấn huyệt. Tay phải day bấm huyệt chân trái, tay trái day bấm huyệt chân phải thẳng góc với huyệt, dùng hai tay xoa xát hai gan bàn chân chừng 2 phút cho nóng lên hoặc dùng dầu nóng hay rượu thuốc xoa cho nóng lên rồi dùng ngón tay cái day ấn huyệt Dũng tuyền, day từ nhẹ đến mạnh sao cho đạt cảm giác tê tức lan sâu vào bên trong gan bàn chân, day liên tục thuận chiều kim đồng hồ 180 vòng. Mỗi ngày có thể làm 1 hoặc 2 lần (buổi sáng ngủ dậy trong khoảng thời gian 5 - 7h và buổi tối 20 - 21h). Có thể tự làm tại nhà.

- Ngâm chân: Ngâm chân nước muối ấm hoặc ngâm chân thảo dược, đắp thuốc vùng huyệt Dũng tuyền, mang tất khi đi ngủ... là những liệu pháp dân gian ứng dụng cơ chế này. Phương pháp này không những có giá trị chữa bệnh cao mà còn có tác dụng phòng bệnh rất tốt cho mọi người.

Giữ cho "đầu mát chân ấm" là một nguyên tắc quan trọng để giữ gìn sức khỏe và đối trị lại các chứng khí nghịch – một trong những nguyên nhân gây những cơn ho dai dẳng.

Hai huyệt "trường thọ" quan trọng nhất của cơ thể con người là Túc Tam Lý và Dũng Tuyền. Nếu thường xuyên "chăm sóc" hai huyệt này chúng ta sẽ luôn luôn khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ !

Quý vị cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Lương y Tuấn: Zalo/DĐ: 098.979.1982 * 091.868.1982

► Các bạn tham khảo để hiểu thêm:

* Hư hỏa: “Dương thường hữu dư, âm thường bất túc” nghĩa là phần dương trong cơ thể con người thường dư mà phần âm thường bị thiếu. Thiếu âm nên dương bốc lên gọi là hư hỏa, còn gọi là âm hư hỏa vượng có thể gây ho, đau họng, nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, bí tiểu, trẻ em kinh giật. Khi âm dương quân bình thì con người khỏe mạnh. Nếu do hư hỏa gây bệnh thì ngoài việc uống thuốc bổ âm để dẫn hỏa quy nguyên, day ấn huyệt Dũng tuyền như hướng dẫn trên để trị liệu. Ngoài ra, cần gìn giữ tinh thần an lạc vì “thần tĩnh tức âm sinh” một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Luyện tập thể dục, võ dưỡng sinh, dịch cân kinh với nguyên tắc “thượng hư hạ thực” bao gồm các động tác xuống tấn, thót bụng, buông lỏng phần vai, tập trung khí lực tại Đan điền… đều nhằm làm cho khí trầm Đan điền, chính là “dẫn hỏa quy nguyên” là những cách trị liệu rất tốt đối với các chứng hư hỏa.

* Đan điền là thuật ngữ trong y học, võ thuật, dưỡng sinh dùng để chỉ một vài trung tâm khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể con người. Có ba bộ vị được gọi là Đan điền:

- Thượng Đan Điền trùng với huyệt Ấn Đường - còn gọi là Đan Điền Thần nằm ở điểm giữa hai đầu trong cung lông mày.

- Trung Đan Điền trùng với huyệt Đản Trung - còn gọi là Đan Điền Khí nằm ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 núm vú (nam) hoặc đường ngang qua bờ trên khớp ức sườn 5 (nữ).

- Hạ Đan Điền trùng với huyệt Khí Hải - còn gọi là Đan Điền Tinh, nằm dưới rốn 1,5 thốn, trên đường dọc giữa bụng.

Khi Đan Điền được chủ động kích hoạt, bộ vị của nó hoàn toàn nằm ở Đan Điền Tinh./.

Tổng lượt xem: 4060

Tổng số điểm đánh giá: 41 trong 5 đánh giá

Bạn đánh giá
4.00 trên 5 dựa trên 1 đánh giá
(5 đánh giá của khách hàng)

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...