Tel:   0989 791982 Hotline: 0989 791982 - 0918 681982 Email: tuan6282@gmail.com

GIẤC NGỦ VỚI SỨC KHỎE

08:12:00 07/12/2015

GIẤC NGỦ VỚI SỨC KHỎE

 

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, giấc ngủ vào buổi tối sẽ giúp chúng ta lấy lại sức, cho nên hiểu khoa học về giấc ngủ và thực hành đúng là cách bảo vệ sức khỏe rất tốt nhất. Thuật dưỡng sinh của người xưa cho rằng: “Giấc ngủ là quan trọng nhất trong dưỡng sinh”, Trung y cũng khẳng định: “Để giúp cơ thể lấy lại sinh lực thì không gì bằng một giấc ngủ ngon”. Về vấn đề này chúng ta cần chú ý 5 điểm quan trọng để có một giấc ngủ “hoàn hảo”, giúp phòng tránh bệnh tật.

Đời người có đến 1/3 thời gian trải qua trong giấc ngủ, giấc ngủ ngoài giảm mệt mỏi còn tăng khả năng miễn dịch, là nguyên tắc không thể thiếu trong bảo vệ sức khỏe. Nhưng hiện nay nhiều người làm việc không theo quy luật, khiến đồng hồ sinh học của cơ thể rối loạn, làm sức đề kháng suy giảm, cơ thể dễ bị cảm cúm, đau dạ dày, ức chế thần kinh gây mất thăng bằng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng.

Theo Trung y, chúng ta cần chú ý 5 điều quan trọng để có một giấc ngủ hoàn hảo, giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật.

1. Ngủ trước giờ tý là tốt nhất

Khoa học đã chỉ ra, ngủ quá muộn là rất nguy hiểm, không chỉ làm ảnh hưởng không tốt cho gan mà còn làm ức chế thần kinh khiến tâm trạng mệt mỏi.

Theo thuật dưỡng sinh cổ đại: “Giấc ngủ là quan trọng nhất trong dưỡng sinh, một đêm không ngủ, trăm ngày không bù hết”. Điều này hoàn toàn có căn cứ, vì tế bào cơ thể chúng ta cứ khoảng 100 ngày làm mới một lần. Trong sách cổ “Hoàng đế nội kinh” có ghi: “Gan rất quan trọng trong 11 phủ tạng”. Khí của lục phủ ngũ tạng đều do ở gan, khí gan điều hòa tốt thì cơ thể tự nhiên sẽ bình ổn. Vào giờ tý (từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng) là lúc kinh gan mạnh nhất, thời gian này mà không ngủ thì không những khí gan không dưỡng được mà còn hao tổn, rất bất lợi cho sức khỏe. Ban đêm ngủ quá muộn dễ bị thiếu máu, toàn thân rã rời, mắt mỏi.

Ngủ trước giờ tý hiệu quả tăng gấp đôi, mỗi tiếng đồng hồ ngủ trước giờ tý tương đương với hai tiếng đồng hồ ngủ sau giờ tý. Những ai hay thức khuya hãy cố gắng thử mỗi ngày ngủ sớm hơn khoảng 10 phút, áp dụng như vậy một thời gian có thể điều hòa lại thời gian ngủ bình thường.

2. Thời gian ngủ lý tưởng nhất

Giờ hợi kinh Tam tiêu hoạt động mạnh, kinh Tam tiêu thông nối với vô số mạch, lúc này cơ thể trong trạng thái ngủ thì các mạnh được dưỡng khí, cơ thể nhờ đó khỏe mạnh. Vì thế, thời gian ngủ tốt nhất là giờ hợi (buổi tối từ 9 đến 11 giờ) đến giờ dần (từ 3 – 5 giờ sáng).

Lý luận Trung y cho rằng: “Thiếu dương bất thăng, thiên hạ bất minh”. Gan là Thiếu dương, nếu buổi tối giấc ngủ không ngon, hôm sau khí thiếu dương suy yếu thì người sẽ mệt mỏi, thiếu sinh khí.

3. Phòng ngủ không quá lớn

Về phong thủy, một người không nên ở trong căn phòng quá to lớn, vì dương khí không đủ vượng. Phòng ngủ phải làm sao là nơi tập trung dương khí, vì thế phòng không nên quá lớn. Phép dưỡng sinh truyền thống nghiên cứu cho rằng khi ngủ nên đóng cửa sổ, hơn nữa không nên mở quạt hay máy điều hòa, nguyên tắc ở đây là khi chúng ta ngủ xung quanh cơ thể hình thành một lớp bảo vệ dương khí, nếu để gió thổi tan lớp dương khí này thì sáng dậy sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, không muốn dậy, sắc mặt vàng, đầu nặng nề.

Mùa hè có thể sau khi đóng kín cửa phòng ngủ rồi mở máy điều hòa làm mát phòng.

4. Không ăn quá no vào bữa tối

Bữa tối ăn quá no sẽ tăng gánh nặng cho dạ dày và tạng tụy, làm sinh ra chất độc, không tốt cho sức khỏe.

Sau bữa tối là lúc gần với thời gian đi ngủ, nếu ăn quá no hoặc rượu chè quá độ tất nhiên sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày, dạ dày không ngừng “truyền tin” công việc lên não bộ gây mất ngủ, hay nằm mơ, lâu ngày sẽ bị thần kinh suy nhược. Với tuổi trung niên và tuổi già, ăn quá no sẽ kích thích tiết ra nhiều chất in-su-lin, dễ gây bệnh tiểu đường.

Bữa tối ăn quá no khiến lượng chất đạm không được tiêu hóa hấp thu hết sẽ biến thành chất độc, lượng chất này lưu giữ trong thời gian dài khi ngủ, lâu dần sẽ dễ gây bệnh đại tràng. Ngoài ra còn có thể gây viêm cấp tuyến tụy, trong lúc ngủ nếu cấp cứu không kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Phần nữa, bữa tối ăn quá no làm khí tiêu hao, buổi tối là lúc dương khí xuống, việc tiêu hóa không sẽ không tốt. Đồ ăn tích lâu trong dạ dày gây nóng dạ dày, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

5. Chú ý dậy sớm

Để ngủ đủ 8 tiếng/ngày, nhiều người ngủ trễ nên sáng dậy trễ, như thế rất không tốt cho sức khỏe. Vì ngủ muộn làm tiêu hao dương khí, sáng dậy muộn cũng lại ngăn chặn hấp thu dương khí. Như thế có thể gọi là “song sát”.

Thời gian ngủ ít quá hay nhiều quá đều tác hại như nhau, khiến tinh thần mỏi mệt, cơ thể uể oải, nhịp tim chậm lại, cơ bắp nhão ra, kéo dài tình trạng này sẽ khiến cơ thể ngày càng uể oải, làm tiêu tán sức lực và suy giảm trí lực.

Vì thế, giả như tối có ngủ muộn thì buổi sáng vẫn nên dậy sớm, đến buổi trưa từ 11 giờ đến 1 giờ là thời gian “tâm kinh” trong 12 kinh lạc hoạt động, lúc này sẽ ngủ bù giấc ngủ ngắn, đề phòng “song sát”.

CÁC BẠN THỨC KHUYA NÊN BIẾT

* Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc), lúc này nên giữ trạng thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.

* Từ 23h - 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.

* Từ 1h - 3h sáng là thời gian bài thải độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say.

* Từ 3h - 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi. Vì thế, không nên dùng thuốc chống ho để tránh gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã trong người vào lúc này.

* Từ 5h - 7h sáng là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toalet vào lúc này.

* Từ 7h - 9h sáng là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn, từ trước 6h sáng, còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng. Những người không ăn sáng cần thay đổi thói quen xấu này, dù có đợi đến 9, 10h mới ăn cũng tốt hơn là không ăn.

* Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say, không nên thức khuya.

TÁC HẠI CỦA VIỆC THỨC KHUYA, NGỦ MUỘN

• Giảm trí nhớ.

• Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.

• Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.

• Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).

• Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.

• Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.

• Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm. Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10h - 11h tối, da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…

• Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.

• Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các nguy cơ khác như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…

• Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.

Phụ nữ thức khuya có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần người thường.

THEO ĐỒNG HỒ SINH HỌC THÌ:

* Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.

* Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.

* Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc-môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.

Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều, có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh.

Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh.

Hi vọng các bạn đã hiểu rõ tác hại của việc thức khuya và hãy khắc phục nó để cơ thể của bạn được bình thường và bạn luôn khỏe mạnh./.

Tổng lượt xem: 3358

Tổng số điểm đánh giá: 31 trong 5 đánh giá

Bạn đánh giá
4.00 trên 5 dựa trên 1 đánh giá
(5 đánh giá của khách hàng)

Thời gian mở cửa: 7h00 - 19h00 hàng ngày. Nghỉ các ngày Lễ, Tết.

(Vui lòng liên hệ trước khi đến khám bệnh)

Điện thoại: 098.979.1982 * 091.868.1982

Nội dung trên trang website có tác dụng tham khảo, không sử dụng các thông tin này để chữa bệnh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

 

Thiết kế bởi donet.vn

 

Đang xử lý...